CÔNG TY TNHH SKYTOURIST
Hạnh phúc là hành trình - không chỉ là đích đến
CÔNG TY TNHH SKYTOURIST
Hạnh phúc là hành trình – không chỉ là đích đến

Cổng Trời Torii - Nét thú vị trong văn hóa Nhật Bản

Khi nhắc đến xứ sở mặt trời mọc, chúng ta sẽ không còn xa lạ với hình ảnh những chiếc cổng trời, tuy giản dị nhưng lại toát lên vẻ cuốn hút kỳ lạ. Những cổng Torii trải dài khắp Nhật Bản, không chỉ là biểu tượng văn hóa độc đáo mà còn mang trong mình những giá trị tâm linh sâu sắc, thu hút hàng triệu du khách. Hãy cùng Sky Tourist khám phá chi tiết về biểu tượng đặc trưng này, để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa mà chúng mang lại trong văn hóa của đất nước mặt trời mọc nhé!

Mục lục

Vài nét Cổng Torii

Cổng Torii, hay còn gọi là Cổng trời Nhật Bản, thường xuất hiện tại các lối vào của đền thờ Thần Đạo. Trong văn hóa Nhật Bản, cổng này được xem như một ranh giới, đánh dấu sự chuyển tiếp giữa miền đất linh thiêng của thần thánh và thế giới trần tục của con người. Theo một số ghi chép lịch sử, cổng Torii đã xuất hiện từ khoảng năm 922.

Nói về nguồn gốc của chữ “torii”, có giả thuyết cho rằng Torii được xây dựng để cho chim về đậu do ẩn ý của 2 chữ kanji (鳥 tori: chim; 居 i: nơi chốn). Đó là bởi vì theo Thần Đạo, chim được cho là đối tượng truyền thông điệp của thần linh. Giả thuyết thứ hai lại bắt nguồn từ thuật ngữ tōri-iru (通り入る: thông qua và bước vào).

Truyền thuyết về cổng Torii

Theo truyền thuyết về thần thoại về Amaterasu Omikami, vị thần mặt trời Amaterasu vì tức giận trước những hành động quấy nhiễu vô lễ của em trai mình là Susanoo-no-Mikoto nên đã tự giam mình vào trong hang động Ama-no-iwato làm cho cả thế giới chìm vào bóng tối. Từ đó, thế giới chìm dần vào bóng tối và nhiều tai ương ập đến. 

Để chấm dứt điều này mà các vị thần đã hợp sức suy nghĩ nhiều cách để kéo Amaterasu ra khỏi hang động nhưng vẫn không nhận được kết quả mong muốn. Mãi cho đến khi có một vị thần nhảy múa, đặt những chú gà trống lên một cái sào làm bằng cây tầm gửi để chúng gáy, phát ra âm thanh tò mò cho nữ thần bên trong hang. 

Chính vì sự tò mò của mình mà nữ thần đã hé mắt nhìn ra ngoài hàng động làm lóe lên những tia sáng và tìm được chỗ bà ẩn nấp. Nắm bắt thời cơ ấy một sumo trong làng đã dùng tảng đá để chặn cửa hang để mặt trời tiếp tục tỏa sáng. Kể từ đó, mặt trời xuất hiện trở lại và cái sào ấy nơi để cho gà và chim đậu chính là cánh cổng Torii đầu tiên.

Ý nghĩa của cổng trời Torii trong văn hóa Nhật

Theo quan niệm của người dân ở Nhật Bản, Torii được hiểu là dấu hiệu chỉ lối vào những nơi linh thiêng. Việc du khách đi dưới những cánh cổng Torii chính là đang đi trên những con đường đến viếng thăm các vị thần linh. Một điều đặc biệt nữa là khi đi dưới những cánh cổng Torii du khách phải rửa tay thật sạch và ngậm nước trong miệng để thể hiện sự thanh sạch và thánh hóa trước khi cầu nguyện dưới những thần linh. 

Chính vì thế mà một người nếu ở trạng thái “không sạch sẽ” sẽ không được vào đền thờ để cầu nguyện. Một ví dụ về sự không sạch đó chính là nhà có tang hoặc phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Đối với những người mà trong nhà có tang thì họ được phép đến các đền thờ Phật giáo thay vì Thần Đạo để cầu nguyện trong 1 năm thậm chí cả việc đến đền thờ Thần Đạo trong dịp đầu năm mới (初詣) cũng không được phép.

Những cổng trời Torii nên ghé thăm khi du lịch Nhật Bản

Đền Hakone – Cổng Torii ở Hồ Ashi 

  • Ẩn mình trong khu rừng gần Núi Phú Sĩ , Đền thờ Hakone nổi tiếng với cổng Torii nằm ở Hồ Ashi. Cánh cổng với phông nền là hồ nước và núi Phú Sĩ, đặc biệt được các nhiếp ảnh gia đam mê yêu thích.
  • Cổng torii nổi trên hồ Ashi có tên là Heiwa no torii, nghĩa là cổng torii của hoà bình. Sở dĩ có tên như vậy là bởi cổng được xây dựng vào năm 1952 khi Nhật Bản ký kết hiệp ước hoà bình. Hiện nay, đây là địa điểm nổi tiếng trên các mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Từ bảo tàng nghệ thuật Narukawa nhìn ra phía hồ Ashi, cổng torii xây dựng cách đây 70 năm này giống như đang nổi trên mặt hồ xanh ngắt, xa xa là quang cảnh núi Phú Sĩ tạo nên phong cảnh mang tính biểu tượng cho Hakone.

Đền Arakura Fuji Sengen – Cổng torii bắt trọn cảnh sắc núi Phú Sĩ suốt 4 mùa 

  • Nằm cách ga Shimoyoshida 5 phút đi bộ là đền Arakura Fuji Sengen. Ngôi đền có lịch sử hơn 1.300 năm được tôn thờ như vị thần ngăn ngừa thiên tai, giúp gia đình hoà thuận, sinh nở thuận lợi, nuôi dạy con cái…
  • Từ lối vào Omotesando đi theo con đường có đèn lồng hai bên sẽ tới được cổng torii màu đỏ son – biểu tượng của đền Arakura Fuji Sengen. Khung cảnh núi Phú Sĩ cùng sự thay đổi bốn mùa xuân hạ thu đông từ cổng torii đẹp đến mức khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải nín thở. Không chỉ người dân trong nước mà rất nhiều du khách nước ngoài khi tới Yamanashi đều chọn đền Arakura Fuji Sengen là một trong những điểm đến nhất định phải có trong hành trình.

Đền Sakurai Uranomiya – Cổng Torii trăng nổi bật trên mặt biển xanh

  • Tại Futamigaura – nơi thờ phụng của đền Sakurai Uranomiya – có một cánh cổng torii màu trắng trên biển. Đây là vật linh thiêng của ngôi đền, được xây dựng vào năm 1968 với ý nghĩa rằng từ đây trở đi là nơi ở của các vị thần. Khi xây dựng cổng torii này, người ta đã cân nhắc chọn màu trắng tinh khiết để làm hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, làm nổi bật chiếc cổng giữa màu xanh thẳm của bầu trời và biển cả, tạo nên khung cảnh vừa uy nghiêm vừa tuyệt mĩ. Đặc biệt cảnh hoàng hôn tại đây chính là 1 trong 100 cảnh hoàng hôn đẹp nhất Nhật Bản. Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi đây là địa điểm chụp ảnh lý tưởng cho mọi du khách.

Đền Mikane – Cổng torii sơn vàng tại Kyoto

  • Có một ngôi đền Thần Đạo nhỏ tên là Mikane tọa lạc tại quận Nakagyo, thành phố Kyoto. Đền Mikane là nơi thờ vị thần hiếm có ở Nhật Bản ban phước lành liên quan đến vận may tiền bạc. Mọi người đến đây thường cầu nguyện sự may mắn trong tài chính, quản lý tài sản, phát triển kinh doanh, giao dịch chứng khoán, trúng xổ số… Chiếc cổng được sơn vàng với sự giúp đỡ của một công ty vàng lá lâu đời ở Kyoto. Cũng nhờ nước sơn không phai ngoài trời nên khi nhìn từ xa, chiếc cổng như được làm từ vàng thật lấp lánh.

Những lưu ý khách du lịch cần nắm khi tham quan cổng Torii

Những nơi có cổng Torii là những địa điểm tâm linh gắn liền với các ngồi đền thờ Thần Đạo. Vì vậy, khi thăm viếng những nơi này, du khách cần phải hết sức nghiêm trang và tôn kính. Dưới đây là một số lưu ý về hành động du khách nên ghi nhớ:

  • Khi đến trước các cổng Torii du khách hãy dừng lại và cúi đầu để thể hiện sự thành kính đối với các vị thần đang được thờ phụng tại đó. 
  • Du khách nên nói khẽ, không nói quá to tiếng hoặc đùa giỡn làm mất đi sự tôn nghiêm khi vào khuôn viên đền.
  • Khi đi qua các cổng Torii, ta nên rửa tay thật sạch và súc miệng sạch hoặc ngậm nước trong miệng để thể hiện sự thanh bạch khi cầu nguyện trước các vị thần linh. 
  • Không nên đi vào làn đường giữ seichuu lên chính điện vì đây được xem là đường đi dành cho các vị thần.

Trên đây là những chia sẻ về Cổng Torii – một trong những nét văn hóa tâm linh độc đáo tại Nhật Bản. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho du khách khi dừng chân ghé thăm các địa danh trên. Nếu có dịp đến thăm Nhật Bản thì bạn hãy dành thời gian ghé thăm các địa điểm gợi ý trên để cảm nhận được nét đẹp linh thiêng và cổ điển tại nơi đây nhé! Đừng quên liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn chi tiết hoặc truy cập website https://skytourist.vn/ cập nhật các tour du lịch Nhật Bản mới nhất nhé!